1. Vừa ăn xong đã thấy đói là bệnh gì?
Nếu luôn cảm thấy đói dù chỉ vừa mới ăn xong, thì bạn không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý dưới đây:
– Bệnh tiểu đường:
Khi thức ăn đi vào cơ thể, chúng sẽ được chuyển hóa thành glucose. Sau đó, nhờ vào một lượng insulin cần thiết, các tế bào sẽ hấp thụ glucose lấy năng lượng. Đối với những trường hợp bệnh nhân mắc tiểu đường, cơ thể không có đủ lượng insulin cần thiết, hoặc xảy ra tình trạng kháng insulin.
Do đó, người bệnh sẽ không thể hấp thụ glucose, không có đủ năng lượng cần thiết và luôn cảm thấy đói cồn cào và mệt mỏi hơn bình thường. Những bệnh nhân mắc chứng tiểu đường tuýp 1 có thể ăn rất nhiều mà vẫn xảy ra tình trạng giảm cân.
Ngoài triệu chứng đói nhanh hơn bình thường và cảm giác mệt mỏi, người bệnh tiểu đường còn có thể mắc kèm theo một số triệu chứng khác như đi tiểu nhiều hơn, ngứa ran hoặc đau ở bàn tay, bàn chân, tình trạng mệt mỏi, vết thương lâu lành, nhìn mờ hơn, giảm cân không rõ lý do,…
– Hạ đường huyết
Lượng glucose giảm thấp hơn bình thường được gọi là hạ đường huyết. Vấn đề này không chỉ gặp ở bệnh nhân tiểu đường mà còn có thể gặp phải ở những đối tượng khác như viêm gan, bệnh về thận hoặc một số vấn đề ở tuyến yên hay tuyến thượng thận,…
Ngoài cảm giác đói cồn cào, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như da nhợt nhạt, choáng váng, loạn nhịp tim, vã mồ hôi, ngứa ran ở vùng xung quanh miệng, nói nhảm,…
– Cường giáp
Khi mắc phải căn bệnh này, tuyến giáp của bạn có xu hướng hoạt động quá mức. Lúc này, lượng hormone tuyến giáp được sản xuất quá nhiều và kích thích cảm giác thèm ăn của người bệnh. Vì thế, dù ăn nhiều nhưng người bệnh cũng không cảm thấy no.
– Nhiễm giun sán
Với thắc mắc “vừa ăn xong đã thấy đói là bệnh gì”, tình trạng nhiễm giun sán cũng có chính là một trong những câu trả lời chính xác. Khi giun sán xâm nhập vào đường ruột của người bệnh, chúng có thể thể tiêu thụ những dưỡng chất từ các thực phẩm mà bạn vừa dung nạp vào cơ thể. Chính vì điều này, bạn sẽ nhanh cảm thấy đói hơn và kèm theo tình trạng giảm cân không rõ nguyên nhân. Cơn đói do nhiễm ký sinh trùng gây ra thường xảy ra vào buổi sáng sớm.
2. Những lý do khác khiến bạn cảm thấy đói nhanh hơn
Ngoài bệnh lý, một số nguyên nhân khác cũng khiến bạn cảm thấy đói nhanh hơn là:
– Do thực phẩm tiêu thụ và cách ăn
Các loại thực phẩm có chứa thành phần dưỡng chất khác nhau và có những tác dụng khác nhau đối với cơ thể. Những loại thực phẩm có thể giúp bạn no lâu hơn là thực phẩm chứa nhiều chất xơ(bao gồm các loại rau củ và trái cây), thực phẩm có chứa nhiều protein(bao gồm thịt, cá, sữa và trứng,..). Một số chất béo lành mạnh trong dầu hướng dương hay các loại hạt, các loại cá,… cũng được xếp vào nhóm thực phẩm lành mạnh và có thể giúp bạn no lâu hơn.
Tuy nhiên, một số thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, bánh mì trắng và các loại bánh ngọt có chứa nhiều chất béo,… không những không tốt cho sức khỏe mà còn khiến bạn nhanh cảm thấy đói và ăn nhiều hơn mức tiêu chuẩn.
Ngoài vấn đề thực phẩm thì cách ăn cũng là một vấn đề quan trọng. Nếu bạn tập trung ăn và nhai kỹ thì bạn sẽ có cảm giác no lâu hơn. Đây cũng là thói quen rất tốt cho dạ dày của bạn.
– Thiếu ngủ: Khi bị thiếu ngủ, bạn sẽ có xu hướng nghĩ đến đồ ăn nhiều hơn, thèm ăn hơn bình thường. Lúc này, bạn rất khó kiểm soát cơn đói. Bên cạnh đó, việc thiếu ngủ cũng khiến cơ thể mệt mỏi hơn và tăng cảm giác thèm ăn chất béo và những thực phẩm có chứa nhiều calo.
– Do căng thẳng: Khi bạn gặp nhiều căng thẳng trong công việc và một số vấn đề trong cuộc sống, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất cortisol. Đây là một loại hormone có thể khiến bạn cảm thấy đói nhanh hơn. Ngoài ra, khi gặp áp lực, bạn cũng cảm thấy thèm những đồ ăn có chứa nhiều đường và chất béo.
– Do đang trong thời kỳ mang thai: Khi mang bầu, chị em cũng nhanh cảm thấy đói hơn bình thường. Điều này là hoàn toàn hợp lý vì cơ thể cần được tăng cường bổ sung dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và thai nhi. Ngoài dấu hiệu thèm ăn, khi mang thai, người phụ nữ còn xuất hiện một số biểu hiện khác như đi tiểu nhiều hơn, chậm kinh, vòng một to lên, đau bụng và ngực,…
– Tập thể dục: Tập luyện thường xuyên sẽ giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể và khiến bạn nhanh cảm thấy đói hơn. Điều này là hoàn toàn bình thường và bạn không cần phải lo lắng.
– Do tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị như thuốc tiểu đường, thuốc chống trầm cảm, điều trị dị ứng, thuốc chống loạn thần,… có thể gây ra các tác dụng phụ, trong đó bao gồm tình trạng đói nhanh hơn bình thường.