Những thông tin cần biết trước khi nội soi ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là căn bệnh ác tính có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp để chẩn đoán, trong đó nội soi ung thư dạ dày kết hợp sinh thiết được ưu tiên sử dụng hàng đầu. Bài viết hôm nay sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức liên quan đến kỹ thuật thăm khám này.

1. Tìm hiểu về căn bệnh ung thư dạ dày

ung thư dạ dày là một trong những bệnh về đường tiêu hóa phổ biến. Bệnh đặc trưng bởi các tế bào ác tính phát triển không bình thường tại dạ dày. Chúng sinh sản mất kiểm soát và tạo thành khối u ác tính, sau đó có thể lan rộng sang những tổ chức xung quanh hoặc theo máu đi đến những tổ chức ở xa hơn (gọi là di căn).

Nguyên nhân gây nên ung thư dạ dày:

  • Các tổn thương dạ dày kéo dài: Bệnh viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày kéo dài sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến loạn sản và cuối cùng là ung thư dạ dày.

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): chúng gây viêm teo và nhiều tổn thương dạ dày tiền ung thư khác, được coi là một nguyên nhân gây nên ung thư dạ dày.

  • Sinh hoạt và ăn uống: Người béo phì, ăn nhiều thức ăn chứa nitrat như thịt hun khói, thịt nước, dưa muối, cá muối,…

  • Người có tiền sử mắc những bệnh về dạ dày cần phải phẫu thuật.

  • Do di truyền: Đột biến gen CDH1, hội chứng di truyền đa polyp tuyến, ung thư dạ dày di truyền,…

Ung thư dạ dày nguy hiểm như thế nào? 

Căn bệnh này gây nhiều đau đớn, ảnh hưởng quá trình tiêu hóa và sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị sớm thì căn bệnh này sẽ từ từ hủy hoại cuộc sống, tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm là 98 % nếu bệnh nhân không được điều trị. Vì thế, cần thăm khám và phát hiện bệnh ung thư dạ dày càng sớm càng tốt để có biện pháp điều trị thích hợp, hạn chế nguy hiểm và đẩy lùi bệnh tật. Hiện nay, nội soi ung thư dạ dày là một trong những phương pháp được sử dụng hàng đầu trong sàng lọc ung thư dạ dày.

2. Thế nào là nội soi ung thư dạ dày?

Nội soi ung thư dạ dày được thực hiện bởi một ống nội soi có kích thước nhỏ, đầu có gắn camera và đèn chiếu sáng đưa vào thực quản đi xuống dạ dày, cho phép quan sát bên trong dạ dày một cách rõ ràng và chi tiết. Trong quá trình nội soi, có một thiết bị nhỏ được luồn theo ống nội soi để thực hiện nhiệm vụ sinh thiết, lấy đi một mẫu tế bào dạ dày để phân tích. Kết hợp giữa kết quả nội soi và xét nghiệm tế bào học, bác sĩ sẽ có một nhận định chính xác về căn bệnh ung thư dạ dày.

Khi đã chẩn đoán được ung thư dạ dày, bệnh nhân có thể thực hiện siêu âm, chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI), xét nghiệm máu để theo dõi và đánh giá sự tiến triển của ung thư. Để có một kết quả điều trị hiệu quả nhất, bạn cần phát hiện ung thư dạ dày sớm và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

3. Khi nào cần thực hiện nội soi để chẩn đoán ung thư dạ dày?

Nội soi ung thư dạ dày được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng sau:

  • Thường xuyên ợ chua, buồn nôn hoặc nôn mửa.

  • Đau bụng thường xuyên, đặc biệt là khi đói.

  • Có cảm giác nặng bụng khi ăn xong.

  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sụt cân nhanh.

Ngoài ra, phương pháp cũng có thể được chỉ định thăm dò cho những đối tượng có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao:

  • Người nghiện rượu bia, thuốc lá.

  • Người thừa cân, béo phì.

  • Người già trên 60 tuổi.

  • Có thói quen thích ăn những thực phẩm lên men, đồ chiên nướng.

  • Trong gia đình có người từng mắc ung thư dạ dày.

  • Bản thân có tiền sử mắc bệnh dạ dày trước đó và đã được phẫu thuật điều trị.

4. Những lưu ý khi thực hiện nội soi ung thư dạ dày

Những lưu ý để có được kết quả nội soi chính xác nhất:

  • Trước khi nội soi ung thư dạ dày, bạn cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ. Điều này giúp cho dạ dày của bạn được rỗng, sẽ giúp cho quá trình quan sát dễ dàng và chính xác hơn.

  • Bác sĩ cần giải thích với bệnh nhân về những rủi ro có thể xảy ra khi thực hiện phương pháp nội soi để chẩn đoán ung thư dạ dày. Chỉ thực hiện phương pháp khi có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

  • Cần báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc trong điều trị một số bệnh nào khác hoặc bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc gây tê, thuốc gây mê.