Người trẻ cũng cần khám tầm soát ung thư dạ dày

Theo GLOBOCAN 2018, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày đứng thứ 14 trên thế giới (15,9/100.000 dân). Điều đáng nói là bệnh đang có dấu hiệu trẻ hóa và có tiến triển nguy hiểm khó lường. Vì thế, các chuyên gia khuyên rằng, dù trẻ tuổi, bạn vẫn nên khám tầm soát ung thư dạ dày.

1. Vì sao người trẻ cần khám tầm soát ung thư dạ dày?

Trước đây, bệnh ung thư dạ dày thường gặp ở người cao tuổi, nhưng hiện nay, rất nhiều bệnh nhân còn trẻ đã được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, thậm chí nhiều trường hợp phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Bạn Thu Linh (25 tuổi, Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng đau bụng, đau âm ỉ vùng trên rốn. Trước đó, Thu Linh chưa từng có tiền sử mắc bệnh. Các bác sĩ nội soi dạ dày và phát hiện có tổn thương vùng hang vị. Kết hợp với kết quả sinh thiết, Linh được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Các bác sĩ đã phẫu thuật nạo vét hạch, cắt bán phần dạ dày. Sau đó, cô gái 25 tuổi tiếp tục điều trị bệnh bằng phương pháp hóa trị.

Một trường hợp khác, Thùy Trang (19 tuổi, Nam Định) có biểu hiện đầy bụng, khó tiêu và thường xuyên mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân, đi tiêu phân đen,… nhưng không đi khám ngay mà thường xuyên tự ý mua thuốc trong suốt 1 năm. Đến khi biểu hiện vô cùng nghiêm trọng, em quyết định đi khám và cũng được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Nhưng lúc này, ung thư đã di căn, tiên lượng xấu, bác sĩ chỉ định hóa trị cho bệnh nhân.

Những trường hợp như Thu Linh và Thùy Trang không phải hiếm gặp, thậm chí một số trường hợp còn mắc ung thư dạ dày khi chỉ mới 16, 17 tuổi. Đây là những ca bệnh vô cùng thương tâm.

Người Việt trẻ không có thói quen khám tầm soát ung thư dạ dày, nhưng theo chuyên gia, đây là phương pháp mà tất cả người trẻ tuổi đều nên làm để bảo vệ sức khỏe của mình.

Một số “thủ phạm” khiến người trẻ phải đối mặt với ung thư dạ dày:

Thói quen ăn uống không khoa học: Rất nhiều người trẻ yêu thích đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,… nhưng những loại đồ ăn này thường chứa nhiều muối và dầu mỡ và cả những chất bảo quản,..và cũng chính là các tác nhân hàng đầu gây ung thư. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống ngoài vỉa hè không đảm bảo vệ sinh và lạm dụng rượu bia cũng được cho là nguyên nhân gây bệnh.

Lười vận động: Thường xuyên ngồi hoặc đứng mà không chịu vận động sẽ khiến cơ thể dễ dàng tích lũy mỡ thừa gây tăng cân béo phì và khiến bạn có nguy cơ cao mắc những bệnh lý về dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày.

Áp lực trong công việc: Công việc bận rộn và những áp lực từ công việc khiến bạn thường xuyên mệt mỏi. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến sức khỏe dạ dày bị ảnh hưởng rất lớn và gặp phải một số vấn đề như viêm loét. Nếu không được khắc phục sớm, điều trị dứt điểm sẽ làm tăng nguy cơ ung thư.