Hút đờm nhớt tại nhà Đây là thủ thuật rất thường được thực hiện ở phòng khám, bệnh viện với mục đích làm sạch đờm rãi, tuy nhiên cần thực hiện vô khuẩn để tránh nguy cơ gây nhiễm khuẩn. Kỹ thuật hút đờm bao gồm: hút đờm miệng, họng áp dụng cho những trường hợp có ứ đọng đờm rãi, bệnh nhân không nuốt, không khạc được (nguyên nhân thường gặp của những trường hợp này thường là chấn thương sọ não, tai biến mạch não, viêm não, màng não…) và hút đờm khí phế quản áp dụng cho những trường hợp bệnh nhân đã được đặt nội khí quản hoặc mở khí quản.
Trước khi hút đờm, người hút cần rửa tay sạch, đội mũ, đeo khẩu trang, đi găng tay vô khuẩn. ống thông để hút thường là ống dùng một lần hoặc ống vô khuẩn, nên dùng loại ống hút có lỗ phụ bên cạnh. ống hút được nối với dây dẫn với máy hoặc nguồn hút áp lực âm. Khi hút cần điều chỉnh áp lực hút cho phù hợp: âm 100 – âm 120mm Hg với người lớn, âm 80 – âm 100mm Hg với trẻ lớn và âm 60 – 80mmHg với trẻ nhỏ, sơ sinh. Việc dùng áp lực hút quá cao có thể gây kích thích và làm tổn thương niêm mạc đường hô hấp.
Bên cạnh các dụng cụ nêu trên, cũng cần chuẩn bị thêm các dụng cụ khác như: khay vô khuẩn, khăn, gạc để lau hoặc trải dưới khu vực hút, khay đựng đồ bẩn. Khi hút đờm, cầm ống hút bằng tay thuận (tay này không được tiếp xúc với bất kỳ thứ gì khác). ống hút được đưa vào qua mũi hoặc qua miệng nhẹ nhàng. Khi đưa ống hút vào đến vị trí cần hút, bịt lỗ phụ bên cạnh ống rồi từ từ rút ống thông ra (đây chính là giai đoạn hút đờm). Với các ống hút không có lỗ phụ bên cạnh, trong khi đưa ống hút vào không nên gập ống vì gây tăng áp lực, khi mở hút có thể gây tổn thương niêm mạc. Sau mỗi lần hút cần lau sạch đầu ống hút, lặp lại việc hút đờm rãi. Sau khi kết thúc việc hút đờm rãi cần vệ sinh mũi miệng và sửa lại tư thế cho bệnh nhân.