Chỉ số Anti HBs là gì? Khi nào cần xét nghiệm Anti HBs

Chỉ số Anti HBs trong cơ thể phản ánh mức độ bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus viêm gan B. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm do virus HBV gây ra. Để hiểu rõ hơn về chỉ số HBs, mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu qua những phân tích sau.

1. Khái niệm chỉ số Anti HBs

Anti HBs là một chỉ số thường được tìm thấy trong các kết quả xét nghiệm virus viêm gan B, cho thấy mức độ cơ thể có khả năng chống lại virus gây bệnh. Hay có thể hiểu là Anti HBs là kháng thể được cơ thể sản sinh ra để tiêu diệt HBV (loại virus gây viêm gan B). Anti HBs được hình thành theo 2 cơ chế dưới đây:

  • Bệnh nhân từng mắc viêm gan B trước đó: trong cơ thể những bệnh nhân đã hình thành kháng thể với cơ chế tự thải loại virus. Các Anti HBs này sẽ tiếp tục được sản sinh và duy trì ở ngưỡng ổn định để chống lại viêm gan B. Tuy nhiên số người có khả năng này khá ít, vì thế mọi người vẫn nên tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ;

  • Người bệnh đã tiêm đủ mũi vắc xin: lúc này lượng Anti HBs sẽ được hình thành và giữ ở mức ổn định trong cơ thể bệnh nhân. Đây chính là cách đơn giản và nhanh chóng nhất để sở hữu và duy trì loại kháng thể này.

2. Chỉ số anti HBs bao nhiêu là bình thường?

Muốn đo lường được nồng độ chỉ số Anti HBs thì cần thực hiện xét nghiệm chỉ số này. Thông tin do kết quả xét nghiệm cung cấp sẽ hỗ trợ bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và có định hướng điều trị phù hợp nhất.

Nếu chỉ số HBs hiển thị có giá trị càng cao thì chứng tỏ cơ thể càng có khả năng chống lại virus viêm gan B và ngược lại. Ở người bình thường, chỉ số HBs thường nằm trong khoảng từ 0 – 1000 IU/ml.

  • Từ 0 – 15 IU/ml: chỉ số HBs vô cùng thấp và cơ thể chưa đủ khả năng tự bảo vệ trước sự tấn công của virus gây bệnh. Vì vậy người bệnh cần chủ động nâng mức chỉ số này lên bằng cách tiêm phòng vắc xin;

  • Trên 15 – 100 IU/ml: kháng thể được duy trì ở mức tương đối nhưng vẫn chưa đủ để đảm bảo cơ thể an toàn tuyệt đối và vẫn có khả năng bị HBV tấn công;

  • Trên 100 – dưới 1000 IU/ml: với mức chỉ số này cơ thể đã có thể được bảo vệ trước HBV.

3. Xét nghiệm Anti HBs nhằm mục đích gì?

Chỉ số Anti HBs sẽ biến đổi theo thời gian, vì vậy việc xét nghiệm chỉ số Anti HBs nhằm kiểm tra, cập nhật trạng thái kháng thể này đang ở mức bao nhiêu, điều này giúp hỗ trợ rất nhiều trong việc phòng ngừa và chữa bệnh viêm gan B. Nếu xét nghiệm nồng độ Anti HBs quá thấp thì người bệnh sẽ kịp thời bổ sung bằng cách tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn không chỉ cho bản thân mà cho những người xung quanh.

Thời điểm để thực hiện xét nghiệm thích hợp nhất là trước và sau tiêm chủng, giúp kiểm tra độ hiệu quả của vắc xin và khả năng cơ thể tương thích với chế phẩm này.

Phương pháp xét nghiệm được áp dụng phổ biến nhất hiện nay đó là kỹ thuật tự động hóa phát quang HBsAg. Thời gian để có kết quả xét nghiệm rất nhanh, chỉ trong khoảng 2 giờ kể từ sau khi lấy mẫu.

Bệnh nhân cần lưu ý những điều sau nhằm giúp đảm bảo độ chính xác của kết quả xét nghiệm viêm gan B:

  • Trước khi làm xét nghiệm cần nhịn ăn khoảng 4 – 6 tiếng do các chất có trong thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm;

  • Không uống bia rượu, đồ có cồn hay dùng chất kích thích trước khi làm xét nghiệm. Ngoài ra cần tránh uống thuốc vào thời điểm này, nhất là các loại thuốc như thuốc điều trị tâm lý, thuốc kháng sinh,…;

  • Nên làm xét nghiệm vào buổi sáng vì cơ thể đã trải qua một đêm đào  thải các chất độc hại và dư thừa, đồng thời khoảng thời gian ngủ qua đêm cũng giúp đáp ứng yêu cầu nhịn ăn thuận tiện cho việc làm xét  nghiệm

4. Làm thế nào để luôn giữ mức Anti HBs được ổn định?

Chỉ số Anti HBs ở mức ổn định là điều quan trọng ai cũng mong muốn thực hiện  được. Tùy từng trường hợp cụ thể, mỗi người sẽ áp dụng cách theo dõi cũng như chăm sóc sức khỏe sao cho phù hợp nhất. Cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus viêm gan B nhưng theo thời gian lượng kháng thể này có  thể sẽ mất dần. Do đó bạn nên chủ động thực hiện xét nghiệm nhằm xác định nồng độ Anti HBs định kỳ.

Tốt hơn hết, đối với những ai có kết quả xét nghiệm Anti HBs ở mức thấp thì nên đi tiêm vắc xin phòng bệnh, cần nhắc lại lịch tiêm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ vì đây là biện pháp giúp tăng kháng thể nhanh nhất, qua đó có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ sức khỏe của bạn trước căn bệnh viêm gan B. Vắc xin có thể phát huy tác dụng trong vòng 15 năm.

Sau khoảng thời gian này, bạn nên tiến hành kiểm tra chỉ số Anti HBs trong cơ thể để xác định xem loại kháng thể này có bị giảm đi hay không. Nếu có thì nên tiêm nhắc lại một mũi theo khuyến cáo của bác sĩ.

Ngoài ra, viêm gan B còn là loại bệnh lý có thể lây lan theo 3 con đường là từ mẹ sang con, quan hệ tình dục và con đường máu. Do đó bên cạnh việc thực hiện xét nghiệm viêm gan B cho mình, người bệnh cũng nên đưa bạn tình hoặc người thân cùng đi thăm khám, xét nghiệm để phát hiện sớm nguy cơ lây nhiễm và điều trị.